Từ nay đến hết năm 2015, TPHCM sẽ di dời toàn bộ cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, trạm nghiền, trộn bê tông ra các khu công nghiệp ở ngoại thành để hạn chế gây ô nhiễm môi trường, khói bụi cho khu dân cư nội thành.
Thông tin trên được ông Phan Đức Nhạn, Phó giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho biết trong sáng nay (15-6) tại buổi giám sát của Ban kinh tế ngân sách, HĐND thành phố về chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM.
"Xu hướng chung là từ nay đến 2015 sẽ đưa tất cả các trạm nghiền, trộn bê tông, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng vào các khu công nghiệp ở ngoại thành để giảm bớt tình trạng ô nhiễm, khói bụi hiện nay", ông Nhạn nói.
Đối với các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng nằm rải rác trên địa bàn thành phố, ông Nhạn cũng cho biết thành phố sẽ sắp xếp lại theo hướng bố trí những tuyến đường dành riêng cho các cửa hàng vật liệu xây dựng tập trung ở tất cả các quận huyện nhằm đảm bảo thông thoáng trên các tuyến đường, tránh tình trạng kinh doanh vật liệu xây dựng tràn lan, tự phát.
Theo Sở Xây dựng, thành phố hiện đang có 3.966 doanh nghiệp, hộ kinh doanh lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong đó có 122 chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng và 3.844 cửa hàng vật liệu xây dựng.
Ông Nhạn cũng cho biết thêm, vừa qua thành phố vừa hoàn thành việc dừng sản xuất toàn bộ 305 lò gạch nung thủ công, trong đó nhiều nhất là khu vực quận 9 với 97 lò.
TPHCM đang nhắm đến phát triển thành trung tâm trưng bày, tiêu thụ và trung chuyển vật liệu xây dựng công nghệ mới, thân thiện môi trường như gạch không nung, vật liệu nhẹ, vật liệu cách âm, cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng ...
Tuy nhiên, phát biểu tại buổi giám sát sáng nay, ông Nhạn cho rằng việc khuyến khích sử dụng các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường tại TPHCM còn nhiều khó khăn và chưa khả thi vì các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, thi công, nghiệm thu chậm ban hành; chưa kể giá thành các loại vật liệu mới thường cao dẫn đến chi phí đầu tư công trình cao, khó tiếp cận đối với các công trình vốn ngân sách.
Văn Nam
Báo điện tử Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online